Thấu đạt được cái “hồn” và cái “thần” của cảnh giới bao quanh thì
mới quán triệt được ý nghĩa của hành động và của cuộc sống. Nhìn
theo chiều hướng đó mới rõ được vai trò không thể không có của
“Triết Đạo Nhân Sinh”.
Nếu phương Đông có “trà đạo” và cả “tửu đạo” thì phương Tây lại
có “văn minh cà phê,”, “văn hóa rượu” và cả “tâm thế dầu hỏa”.
Nhưng ngày nay, trong diễn trình thoái hóa của “tâm thế dầu hỏa”
– khởi nguyên từ chiều hướng thoái vị của “kinh tế khoáng sản”
trước viễn cảnh đăng quang ngày càng rõ nét của Kinh Tế Xanh –
“văn minh cà phê” của trời Tây đã tự vấn bản thân để tìm đường
khải ngộ mới. Nói cho gọn, lan truyền dần như cùng lúc với hào
khí của “Thời Khai Sáng” ở Tây Âu, cà phê đã đồng hành cùng
với đại đa phần các xã hội Âu Mỹ trong suốt những chặng đường
CÀ PHÊ NĂNG LƯỢNG – CÀ PHÊ ĐỔI ĐỜI 11
lịch sử tìm kiếm và tạo dựng tương lai: chẳng vô cớ mà ngôn ngữ
của trời Âu đã hiển dương những hình tượng động lòng nhân thế
chẳng hạn như “Homo Coffea” (Con Người Cà Phê) hay “Société
de Cafés” (Xã Hội của Quán Cà Phê) hoặc “Caffeine Nation”
(Quốc Gia Kích Xúc Bởi Chất Caffeine).
Trong bối cảnh ấy, câu nói có phần quen thuộc ở ta là “đóng gói
giá trị văn hóa vào cà phê…” dễ gây ngộ nhận. Bởi lẽ cách diễn
đạt như trên đã vô hình trung làm như thể bản thân cà phê chẳng
có một giá trị văn hóa gì, vì thế mà cần phải “đóng gói giá trị văn
hóa vào”! Nào phải là vậy. Michel Angelo, nhà điêu khắc lừng
danh kim cổ đã có cách nhìn khác, cô đọng trong những bút tích
ngắn gọn để đời. Chẳng hạn “tôi nhìn thấy một thiên thần trong
lòng của đá, và tôi chỉ việc dũa và mài đá để hình dáng thiên
thần ấy hiện ra” hoặc “mỗi tảng đá đều chứa sẵn trong nội thân
nó một bức tượng và vai trò của người điêu khắc là khai phóng
bức tượng ấy”.
Tiếp cận cà phê từ các tầm nhìn văn hóa, văn minh cũng phải
thế: chẳng phải gượng ép lắp ghép những suy diễn chủ quan vào
lĩnh vực cà phê để vinh thăng những điều mong muốn mà chính
là khám phá và chứng giác những giá trị nhân văn của bản thân
cà phê, trong suốt diễn trình lịch sử, từ khởi nguyên cho đến khi
thành mặt hàng không chỉ là vào loại thông dụng nhất thế giới mà
còn có chức năng tiên phong mở hướng cho xu thế “thương mại
công bằng” nhắm đến “phát triển bền vững” ngày càng được nhìn
nhận như mục đích tối thượng của nhân sinh trong xu thế đòi hỏi
một “trật tự kinh tế – xã hội mới”.
Cách đặt vấn đề như trên đòi hỏi phương pháp tiếp cận vừa vĩ mô
vừa vi mô, nghĩa là vừa đủ rộng để bao quát được sự tương thông
giữa lịch sử phát triển của cà phê với diễn trình tiến hóa kinh tế –
xã hội và cả chính trị của nhiều cộng đồng nhân sinh trên thế giới,
lại vừa đủ chi li để thẩm thấu được sự phức hợp của các diễn trình
tác động cùng lúc đến nhiều bình diện của đời sống con người, từ
vật chất đến tâm linh.
Phương pháp trên còn đòi hỏi cách phân giải vừa đồng đại vừa
lịch đại, nghĩa là cần những lát cắt ngang và sâu trong kết cấu của
thời đại để hiểu rõ những mối tương quan đa chiều giữa các sự
kiện xảy ra ở nhiều lĩnh vực khác nhau và những lát cắt dọc và
dài theo dòng lịch sử – cả xuôi lẫn ngược – để cặn kẽ được những
nguyên nhân và hệ quả của các sự kiện.
Nói cho cùng, thấu đạt được cái “hồn” và cái “thần” của cảnh giới
bao quanh thì mới quán triệt được ý nghĩa của hành động và của
cuộc sống. Và cũng từ đấy mới ngộ tri được cứu cánh của hoạt
động kinh tế, kinh doanh vốn chẳng phải đơn thuần chỉ là chuyện
“buôn bán, làm ăn, tiền vào, đầu ra”. Bởi lẽ, cũng giống như ý niệm
kinh tế trong “kinh bang tế thế” là “trị nước giúp đời” hay “kinh
thế tế dân” là “trị đời giúp dân”, kinh doanh bao hàm hướng vọng
“mở mang bốn cõi dọc ngang để lập nghiệp an cư” (theo nghĩa gốc,
kinh là dọc và doanh là ngang). Nhìn theo chiều hướng đó mới rõ
được vai trò không thể không có của “Triết Đạo Nhân Sinh” trong
Kinh Tế và Kinh Doanh nói riêng cũng như trong việc Sống Làm
Người nói chung.