Thương mại cà phê là nhân tố quan trọng, góp phần biến chuyển
cục diện nền kinh tế Hà Lan, đưa quốc gia này trở thành cường
quốc hàng hải toàn cầu, thống trị kinh tế thế giới trong thế kỷ 17.
Người Hà Lan có câu “The Dutch made Holland – người Hà Lan
tạo ra đất nước Hà Lan”. Bắt nguồn từ vị trí địa lý đặc thù, khoảng
26% diện tích nằm thấp hơn mực nước biển, không có dãy núi
hoặc biên giới tự nhiên bảo vệ lãnh thổ. Trong phần lớn lịch sử,
Hà Lan bị đế chế La Mã, bộ lạc Celtic, người Đức, người Viking,
người Áo, người Tây Ban Nha… đánh chiếm và cai trị. Cho đến
năm 1576, quốc gia này mới thống nhất nội bộ.
Trở ngại vị thế địa lý lại cho người Hà Lan lợi thế về sự am hiểu
biển cả, truyền thống đi biển và năng lực đóng tàu vượt trội so
với tất cả các cường quốc châu Âu khác. Nhờ vậy, khi hoạt động
thương mại hàng hải trỗi dậy vào thế kỷ 17, người Hà Lan đã ôm
mộng vươn mình chinh phục thế giới. Thương nhân Hà Lan vốn
nổi tiếng là những “triết gia đầu tư”. Họ không đơn thuần chỉ là
những con buôn. Trong niềm tin của người Hà Lan, hai vị thần
bảo trợ thương mại Mercury và Minerva đại diện cho sự uyên bác
(eruditio), văn hóa (humantas), trí tuệ (sapientia). Một thương gia
lý tưởng phải nỗ lực học hỏi, phấn đấu đạt được các phẩm tính
của thần bảo trợ thương mại để tạo nên sự giàu có, thịnh vượng
cho quốc gia.
Trong quá trình giao thương với các đế chế phương Đông, thương
gia Hà Lan sớm nhận thức về hạt cà phê. Từ thế kỷ 16, cà phê đã là
thức uống phổ biến và thiết lập thói quen xã hội ở Ottoman, Trung
Đông, Nam Ấn Độ, Ba Tư, Sừng Châu Phi, bắc Phi, Balkan, Ý…
Vì kinh doanh cà phê là nguồn lợi chủ lực của đế chế Ottoman
nên để giữ thế độc quyền, họ kiểm soát nghiêm ngặt ngăn không
cho hạt giống nào rời khỏi lãnh thổ. Trước khi xuất khẩu qua cảng
Mocha, hạt cà phê được ngâm nước sôi hoặc rang chín nhằm đảm
bảo không thể nảy mầm. Mặc dù vậy, khi người Hà Lan nhìn thấy
giá trị kinh tế của hạt cà phê, họ đã tìm cách nhân rộng cây giống
trên thuộc địa của mình để khai thác.
Năm 1616, Pieter Van dan Broeck – một thương nhân Hà Lan đã
mang cây cà phê từ Mocha về Hà Lan. Năm 1640, một thương
gia khác tên Johann Siegmund Wurffbain rao bán lô hàng cà phê
thương mại đầu tiên ở Amsterdam. Tuy nhiên, khí hậu Hà Lan
không phù hợp với canh tác cà phê quy mô lớn. Năm 1696, Hà Lan
vận chuyển cây cà phê đến đảo Java ở Indonesia, sau đó mở rộng
đến Celebes, Timor, Bali (châu Á) và Sumatra, Brazil (châu Mỹ).
Cây cà phê bám rễ phát triển tạo thành vùng nguyên liệu mới.
Thế kỷ 17, cà phê là một trong những nguyên liệu mang lại lợi
nhuận nhất thế giới. Các cường quốc Anh, Pháp và Hà Lan tham
gia vào cuộc cạnh tranh gay gắt để giành thị phần. Điều này dẫn
đến thương mại cà phê trở thành yếu tố kinh tế quyết định cán cân
quyền lực ở châu Âu. Người Hà Lan triệt để khai thác đồn điền
cà phê ở thuộc địa. Công ty Đông Ấn Hà Lan (thành lập vào năm
1602) tiến hành nghiên cứu chuỗi cung ứng cà phê một cách bài
bản. Họ ký kết các thỏa thuận bắt buộc các thuộc địa tham gia vào
ngành sản xuất cà phê và chuyển nhượng một phần sản lượng cho
Công ty Đông Ấn Hà Lan.
Hàng loạt đồn điền cà phê từ châu Á đến châu Mỹ trở thành nguồn
cung cấp cà phê cho tiêu thụ và xuất khẩu của Hà Lan. Cùng với
hệ thống vận tải đường biển mạnh nhất đương thời, Hà Lan dần
chiếm giữ vai trò cung cấp cà phê lớn nhất toàn cầu. Sự giàu có
nhờ khai thác lợi nhuận thương mại đưa Hà Lan vượt qua Tây
Ban Nha và Bồ Đồ Nha, trở thành đế chế hưng thịnh thống trị
ngành hàng hải trong thế kỷ 17.
Trong tác phẩm “Nguồn gốc của cải các quốc gia”, cha đẻ Kinh
tế học hiện đại Adam Smith ca ngợi Hà Lan là gương mẫu hàng
đầu của một xã hội thương mại, và thương mại tự do là nền tảng
sự giàu có to lớn của Hà Lan. Nguồn ngân sách khổng lồ thu được
từ thương mại thúc đẩy một trong những kỷ nguyên vĩ đại nhất
trong lịch sử Hà Lan.
Các doanh nhân giàu có đóng vai trò quan trọng dẫn dắt xã hội
Hà Lan. Họ tham gia vào các hoạt động hoạch định chính sách và
đầu tư tài chính bảo trợ các lĩnh vực nghệ thuật, khoa học công
nghệ, quân sự,… đặc biệt là giáo dục. Hà Lan xóa mù chữ cho
người dân bằng cách thể chế hóa hệ thống giáo dục, trẻ mồ côi
cũng được học tập miễn phí. Người Hà Lan gọi đây là quá trình
tích lũy sức mạnh con người. Giữa thế kỷ 17, tỉ lệ người có học
vấn cao ở Hà Lan tăng một cách đáng kinh ngạc.
Giáo dục đánh thức đời sống văn hóa và trí thức. Nhu cầu đọc
sách và phổ biến sách nở rộ. Vào thế kỷ 17, sách được in ở Hà
Lan nhiều hơn tất cả các nước châu Âu khác gộp lại, ngay cả một
người nghèo ở nông thôn cũng có thể được tiếp cận tri thức từ
sách. Đây là nền tảng căn cốt tạo nên sự bùng nổ trí tuệ chưa từng
có. Các trào lưu triết học – tư tưởng, các loại hình văn học, nghệ
thuật, khoa học,… phát triển mạnh mẽ vô song. Hàng quán cà phê
thời kỳ này cũng trở thành không gian thư viện. Hầu hết các quán
cà phê ở Amsterdam như German Coffee House, North Holland
Coffee House, English Coffee House… luôn luôn có rất đông
người đến đọc sách báo và tham gia chia sẻ các thông tin mới nhất
Thương mại cà phê cũng liên quan đến việc giao thoa tri thức giữa
phương Tây và phương Đông. Trong quá trình giao thương và
mở rộng vùng nguyên liệu cà phê, người Hà Lan đã khám phá và
mang về châu Âu những kiến thức về một châu Á huyền bí, giúp
các nhà khoa học hệ thống lại nhận thức của phương Tây về thế
giới. Điển hình như trong tác phẩm “Nguyên tắc toán học trong
vạn vật học” của nhà bác học Isaac Newton, khi giải thích về thủy
triều đã nhắc đến hiện tượng mực nước lên xuống chỉ một lần
trong ngày tại cảng Batsham thuộc vương quốc Tunquini (Đàng
Ngoài – vùng lãnh thổ Đại Việt do Chúa Trịnh kiểm soát). Người
Hà Lan học hỏi mỹ nghệ gốm sứ Trung Quốc, Nhật Bản kết hợp
kỹ thuật nung học được từ Ý để sáng tạo nên dòng gốm Delftware
độc đáo, xuất khẩu khắp châu Âu. Ở chiều ngược lại, sách và
các chuyên gia uyên bác người Hà Lan cũng ảnh hưởng lớn đến
các quốc gia châu Á. Trong 200 năm, người Nhật đã tiếp thu văn
minh phương Tây thông qua “Hà Lan học”, tác động trực tiếp đến
nền tảng khoa học kỹ thuật và tư tưởng hiện đại của Nhật Bản.
Thành công trong thương mại cà phê của Hà Lan đã đưa hạt cà
phê phổ biến trên toàn cầu, mở rộng các vùng nguyên liệu cà phê,
góp phần cho việc đa dạng văn hóa cà phê với vô số hình thức
thưởng lãm được biến thể theo đặc trưng riêng ở mỗi quốc gia.
Đồng thời, thương mại cà phê cũng là một trong những nhân tố
dẫn đến “Kỷ nguyên vàng của người Hà Lan”. Xã hội ngày càng
giàu có, trình độ dân trí cao, các lĩnh vực nghệ thuật, khoa học, kỹ
thuật, triết học và văn hóa phát triển rực rỡ đã biến Hà Lan từ một
vùng đất chịu sự cai trị vươn vai phát triển thành cường quốc ảnh
hưởng bậc nhất thế giới trong thời kỳ cận đại.