Cùng với tiến trình định hình bản sắc cà phê Áo tại thủ đô Viên,
thành phố này cũng là nơi phát triển mạnh mẽ phong trào sáng tạo
trong âm nhạc, đưa Viên trở thành “kinh đô âm nhạc châu Âu”.
Cuối thế kỷ 17, ngay sau khi kết thúc cuộc chiến 300 năm với đế
chế Ottoman, Hoàng đế Leopold I (cai trị La Mã từ 1658 – 1705)
tiến hành những cải cách toàn diện về chính trị, văn hóa, kinh tế…
đưa nước Áo lên vị thế trung tâm của toàn châu Âu.
Bất chấp những khó khăn hậu chiến tranh, Leopold I cho xây
dựng các công trình kiến trúc hoành tráng, những nhà thờ lộng
lẫy, nhà hát xa hoa… Tiếp đó là đẩy mạnh giáo dục, xây dựng
trường học, thư viện và bảo trợ cho các hoạt động phát triển văn
học, nghệ thuật, âm nhạc… Ông gần như thay đổi toàn diện tư
duy sống của người Áo. Dưới triều đại của Leopold I, phong trào
Baroque phát triển tột bậc ở Áo, và Viên cũng trở thành trung tâm
văn hóa vang danh.
Hoàng đế Leopold I ban đặc quyền cho quán cà phê được mở
rộng ở Viên. Vào thế kỷ 18, Viên đã xây dựng cơ sở sản xuất cà
phê trên lãnh thổ và đẩy mạnh ngành công nghiệp chế biến cà
phê. Hàng quán cà phê được đầu tư về mặt kiến trúc, nghệ thuật
trang trí, trở thành không gian đặc biệt của Viên, chủ yếu nằm ở vị
trí trung tâm và các con đường huyết mạch của thành phố.
Văn hóa nghệ thuật hưng thịnh, Viên được đánh giá là vùng đất
lý tưởng. Nhân tài khắp châu Âu tìm đến Viên để thỏa chí sáng
tạo và thực hiện những giấc mơ lớn của cuộc đời như: Giovanni
Giuliani (nhà điêu khắc Ý), Jean Nicolas Jadot de Ville-Issey
(Kiến trúc sư Pháp), Ludwig van Beethoven (thiên tài âm nhạc
người Đức), Antonio Lucio Vivaldi (Nhà soạn nhạc người Ý),
Martin van Meytens (danh họa Thụy Điển)…
Theo nhịp sống liên tục sáng tạo của thời kỳ Baroque, không gian
quán cà phê Viên cũng cải tiến, định hình phong cách. Không chỉ
là nơi thưởng thức cà phê, chốn hội ngộ gặp gỡ, quán cà phê còn
là nơi trải nghiệm lối sống mới, thúc đẩy khát vọng thăng hoa số
phận như phương châm của phần lớn hàng quán cà phê bấy giờ:
“Du sollst dein Leben andern” (Bạn phải thay đổi cuộc đời của
chính bạn).
Giới trí thức, những cá nhân ưu tú, tầng lớp quý tộc mới… gặp gỡ
và tranh luận trong quán cà phê. Họ đàm luận, đọc báo, tham gia
vào các trò chơi trí tuệ và suy nghĩ về những ý tưởng mới.
Sinh ra tại Áo trong thời kỳ Baroque, Wolfgang Amadeus Mozart
(1756 – 1791) sớm có những điều kiện thuận lợi để bộc lộ tài năng
thiên bẩm về âm nhạc. Mozart được biết đến là một thần đồng khi
biết chơi đàn vĩ cầm và dương cầm lúc mới lên 3, soạn nhạc khi
lên 5 tuổi. Từ năm 7 tuổi, đã lưu diễn ở nhiều nước châu Âu, biểu
diễn trước các vị vua, hoàng hậu và giới quý tộc các nước.
Sau nhiều năm chu du khắp châu Âu và đạt được thành công
huy hoàng, Wolfgang Amadeus Mozart được Tổng Giám mục
của Salzburg trọng dụng làm nhạc trưởng. Thời gian ở Salzburg,
Mozart thường xuyên đến quán cà phê Café Tomaselli tại quảng
trường Alter Markt. Ông thích uống cà phê đen, đôi khi có thêm
sữa hạnh nhân. Thói quen này trở thành giai thoại khi nhắc về
Mozart. Cũng trong giai đoạn này, khả năng sáng tạo âm nhạc của
ông phát triển theo hướng khác biệt. Ông khéo léo kết hợp trường
phái âm nhạc cổ điển, phong cách Galant, Baroque và đôi khi thử
nghiệm đan xen các đặc trưng của nhạc kịch dân tộc Đức với một
số yếu tố nhạc kịch Italy… Điều này làm cho âm nhạc của Mozart
như là sự kết tinh tinh hoa văn hóa của nhân loại.
Tuy nhiên, Tổng Giám mục Salzburg không đánh giá cao những
sáng tạo và nỗ lực của Mozart. Khát vọng những điều lớn lao
hơn, năm 1781, Mozart rời Salzburg đến Viên để được học hỏi
và tự do sáng tạo. Ở Viên, Mozart đối diện với vô vàn khó khăn
về tài chính lẫn sức khỏe. Nhưng chính trong 10 năm bĩ cực tại
đây, nghệ thuật âm nhạc của Mozart thăng hoa và hoàn hảo đến
mức được ví như “ánh sáng của mặt trời vĩnh hằng”.
Wolfgang Amadeus Mozart đã gặp nhà soạn nhạc Joseph Haydn,
Ludwig van Beethoven và những nhà soạn nhạc Baroque ở quán
cà phê Café Frauenhuber. Ấn tượng với phong cách sống của
Viên, cùng những ảnh hưởng cuộc cải cách theo phong trào khai
sáng của Joseph II (Hoàng đế La Mã từ 1765 – 1790), Mozart đã
cách tân âm nhạc cổ điển bằng cách phá vỡ lối mòn của nhạc kinh
viện, đưa những quan niệm mới về tinh thần lạc quan, chủ nghĩa
nhân đạo và trí tuệ… vào tác phẩm.
Phần lớn những tuyệt tác bất hủ của Mozart như The Marriage
of Figaro, Don Giovanni, Die Zauberflote,… đều được sáng tác
trong những năm sống ở Viên. Mozart đến quán cà phê, chơi trò
billard, cùng lúc đó ông suy ngẫm và tốc ký nốt nhạc lên giấy.
Mozart từng viết liên tục 3 tác phẩm trong vòng 3 giờ ngồi ở quán
cà phê. Ông cũng thực hiện những buổi biểu diễn âm nhạc trong
quán cà phê Café Frauenhuber và Café Bellevue.
Năm cuối cùng của cuộc đời, tình hình sức khỏe của Mozart ngày
càng xấu đến mức nằm liệt giường. Trong những ngày bạo bệnh,
Mozart vẫn giữ vững tâm thế sáng tạo và đam mê sáng tác. Ông
dành toàn tâm toàn ý cho tác phẩm Requiem và đó cũng là tác
phẩm cuối cùng, có thể được xem là tiêu biểu nhất, đầy mạnh mẽ
kiên cường nhất của ông.
Wolfgang Amadeus Mozart sống một cuộc đời 35 năm ngắn ngủi,
nhưng những tác phẩm âm nhạc từ sự sáng tạo của ông đã trở
thành di sản trường tồn. Cho đến nay, tác phẩm của Mozart vẫn
là mẫu mực của nghệ thuật sáng tạo âm nhạc, và là nguyên tắc
kinh điển trong âm nhạc cổ điển mà các nhạc sỹ thế hệ sau luôn
kế thừa và trân trọng.Wolfgang Amadeus Mozart cũng được tôn
vinh là một trong những nhà soạn nhạc khởi xướng “Trường phái
âm nhạc cổ điển Viên”.
Từ cuối thế kỷ 18, loại hình quán cà phê hòa nhạc phát triển tại
Viên, là nơi gặp gỡ, sáng tạo và chia sẻ tác phẩm của những tài
danh âm nhạc thế giới. Những quán cà phê hòa nhạc tiêu biểu như
Café Jüngling, Zweites Kaffeehaus, Drittes Kaffeehaus, Erstes
Kaffeehaus… đã góp phần đưa Viên lừng vang là thủ đô của âm
nhạc cổ điển châu Âu.