THẾ HỆ ĐÃ MẤT

Đánh giá bài viết này
THẾ HỆ ĐÃ MẤT

Từ hậu bán thế kỷ 19 đến hậu bán thế kỷ 20, xã hội cà phê chín
muồi. Nhưng bản thân thế kỷ 20 lại đầy những thiên thần gãy
cánh, từ đây, lại một thế hệ cuồng điên tự thức tỉnh để tái tạo
chính mình.

Một thế hệ thất lạc

Thế chiến I (1914 – 1918) cướp đi hàng chục triệu sinh mạng. Trải
nghiệm về cái ác và sự hủy diệt trên quy mô lớn như vậy, một lớp
người đã mất niềm tin vào lý tưởng tiến bộ của con người. Cảm
giác vỡ mộng, tuyệt vọng hình thành nên “Thế hệ đã mất – The
Lost Generation”, bao gồm phần đông là giới trí thức và những
người sáng tạo.
Làm sao còn có thể tin rằng lý trí luôn dẫn dắt con người khi
những thảm sát chiến chinh đó đây vẫn chẳng ngừng mà còn đặt
nhân loại trước nguy cơ diệt vong. Làm sao còn có thể tin vào sự
tiên tiến của khoa học công nghệ khi nhân danh văn minh mà sự
tồn vong của địa cầu bị đe dọa. Làm sao còn có thể tin về hạnh
phúc khi mọi mô hình học thuyết và chủ nghĩa lần lượt rơi vào bế
tắc. Niềm tin vào tính ưu việt của lý trí, chiều hướng tất yếu của
tiến bộ văn minh, sự lan tỏa của hạnh phúc dựa trên thành quả
của khoa học công nghệ bị đánh đổ tả tơi. Thế kỷ 20 rốt cuộc đầy
những thiên thần gãy cánh, hoài nghi trước vận mệnh nhân sinh.
Phủ nhận các giá trị truyền thống, lạc lõng với thực tại, bi quan về
tương lai, một bộ phận “Thế hệ đã mất” trốn chạy sự bất lực của
bản thân bằng cách sống phi tuân thủ (sybaritic). Những cuộc ly
hương, tiệc tùng phù phiếm, sống không mục đích… kéo dài từ
năm 1920 đến khi bắt đầu cuộc Đại suy thoái năm 1929.

Đặc biệt, Paris (Pháp) – kinh đô ánh sáng với đời sống xa hoa,
năng động và sáng tạo đã trở thành một trong những trung tâm
tập kết lớn nhất của “Thế hệ đã mất”. Họ tìm kiếm sự đồng cảm
từ những người cùng chí hướng, tìm kiếm sức mạnh vượt thoát
trạng thái thất lạc. Thông qua cuộc nổi loạn, “Thế hệ đã mất” dần
hình thành nên những đặc điểm xã hội riêng, khởi đầu những năm
tháng cuồng điên 1920 “The Roaring Twenties”. Cuồng điên thất
vọng để chìm sâu vào sự suy đồi của chủ nghĩa khoái lạc, các
băng đảng xã hội đen, những kẻ lừa đảo… Cuồng điên hi vọng tái
tạo thế giới bằng động năng sáng tạo mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh
vực xã hội, văn hóa – nghệ thuật, kinh tế…
Ngừng nhìn lại quá khứ đau buồn. Ngừng sống trong vô thức.
Ngừng lạc lõng và vô hướng. “Thế hệ đã mất” khao khát tái cấu
trúc lòng tin và tìm kiếm cảm thức về thể trạng – thể dạng của bản
thân. Hay nói cách khác là tìm lại bản thân và ảnh hưởng đến cộng
đồng xung quanh để cùng tỉnh thức tiến đến tương lai tươi sáng.
Như cách mà giới trí thức đương thời vẫn ví là “xây dựng những
thánh đường mới, nơi những ngôi đền cũ đã đổ xuống”.

Cà phê tỉnh thức tái tạo cuộc sống

Từ tính chất khai sáng nhân văn, tỉnh thức nhân tình, hàng quán
cà phê trở thành không gian của một giai đoạn lịch sử nhận thức
về tương lai của nhân thế. Thời kỳ này, quán cà phê được vinh
danh là “Nơi chốn trao đổi những lý thuyết về tương lai – Bureau
de change des théories du futur”, là “Hải đăng rọi sáng thời hiện
đại đang tới – Phare de l’ère moderne naisante”, là “Bến ga xuất
phát đến tương lai – Quai d’embarquement pour l’avenir”… Và
vì lẽ đó, “Ins Kaffeehaus – Đi quán cà phê” hóa thành khẩu hiệu
cho quá trình con người tìm lại niềm tin vào bản thân, tin vào tiền
đồ chung để từ đó xả thân cho đại cuộc.

Tả ngạn sông Seine với sự phát triển sôi động của hàng quán cà
phê thu hút một lượng lớn thanh niên và giới trí thức sáng tạo đến
từ khắp thế giới, bao gồm châu Âu, Trung – Nam Mỹ và cả châu
Á. Hàng quán cà phê khu Montmartre, đồi Montparnasse, đại lộ
Raspail, phố Delambre là hạt nhân khởi xướng các phong trào
sáng tạo đổi mới.
Sân thượng đầy lá đinh tử hương của quán cà phê La Closerie des
Lilas là nơi gặp gỡ thường xuyên của các nhà văn Thế hệ đã mất như
Gertrude Stein, Ernest Hemingway, Ezra Pound, Scott Fitzgerald,

Anaïs Nin, Thomas Stearns Eliot. Cũng là nơi Hemingway viết
phần lớn cuốn The Sun also Rises, nơi Scott Fitzgerald lần đầu
trình bày bản thảo tác phẩm The Great Gatsby và Henri Miller
khởi sự viết tác phẩm Tropic of Cancer nổi tiếng. Giới nghệ sĩ và
thi nhân tài danh thường xuyên tới Café du Dôme như Guillaume
Apollinaire, Pablo Picasso, Hans Purrmann, Rudolf Levy, Amedeo
Modigliani… được gọi chung là Dômiers. Những cuộc tranh luận
của Dômiers là tiền đề tạo nên chuẩn mực mới của chủ nghĩa Dã
thú và phong cách nghệ thuật Tiên phong (Avant Garde). Quán cà
phê Café Guerbois là nơi diễn ra hầu hết các hoạt động sáng tạo
và triển lãm của nhóm các danh họa thuộc trường phái Ấn tượng.
Tầng hầm của Grand Café là nơi tổ chức buổi chiếu phim thương
mại công cộng đầu tiên của anh em nhà Lumière…
Café de Flore được biết đến như “cà phê của triết gia”. Trường
phái Hiện sinh bắt đầu khẳng định mình với những buổi thảo
luận về đề tài triết lý của đời sống, mở hướng cho sự ra đời của
những sinh hoạt triết luận ở một số hàng quán cà phê thuộc SaintGermain-des-Prés. Kế cạnh đó, quán Les Deux Magots lại thiên
về hướng mang triết học vào nghệ thuật, từ triết họa đến triết văn
chủ trương đề xướng sáng tác theo thuyết nhân sinh mới.

Đặc biệt, cộng đồng sáng tạo nhìn nhận rõ tầm quan trọng của
sự tỉnh thức cá nhân, và những động lực hành vi có ý thức để
tái tạo thế giới như khát vọng của mình, ngay cả khi đang hỗn
loạn. Làn sóng tự do sáng tạo bùng nổ trong tất cả các lĩnh vực
văn học, hội họa, âm nhạc, phim ảnh,… thúc đẩy sự ra đời của
hàng loạt phong trào ảnh hưởng đến văn minh nhân loại như:
Chủ nghĩa Siêu thực, Art Deco, Chủ nghĩa Dada, Chủ nghĩa Biểu
hiện, Chủ nghĩa Lập thể, phong cách thời trang flapper, thuyết
tảng băng trôi trong văn học, sự phát triển của nhạc Dance, phòng
nhạc kịch, rạp chiếu phim,… “Thế hệ đã mất” tác động làm thay
đổi tư duy và lối sống xã hội. Điều này tạo nên sự thức tỉnh tập
thể và sự xuất hiện của các giá trị mới được gọi là Chủ nghĩa
Hiện đại, khuyến khích những người trẻ tự chọn tương lai cho
chính bản thân. Đây cũng chính là thời kỳ xuất hiện các vĩ nhân –
thiên tài lừng danh nhất của thế kỷ 20 như: Gertrude Stein, Ernest
Hemingway, Francis Scott Fitzgerald, Thomas Stearns Eliot, Van
Gogh, Picasso, Modigliani, Igor Stravinsky, Erik Satie…
Luồng sinh khí mới được hình thành từ hàng quán cà phê, mở ra
thời đại khai tâm mới. Niềm tin về xã hội tốt đẹp mà ở đó mỗi
cá nhân được sống theo hệ giá trị do chính mình đặt ra trong tiến
trình siêu vượt bản thân nhằm đóng góp nhiều hơn cho đời. Vì
thế, thay vì mông lung bất định, con người có khuynh hướng tự
tỉnh thức, sáng tạo để tái tạo bản thân. Đồng thời hướng vọng về
tương lai với những thành tựu vĩ đại. Cà phê và hàng quán cà phê
trong tiến trình tái tạo này vốn chẳng phải nơi lánh nạn mà chính
là phương thức và nơi chốn cần thiết để tìm lại ý nghĩa tồn tại,
giúp nhau tìm lại bản thân mình, góp phần cho chiều hướng thăng
hoa ý nghĩa sự sống.

Đánh giá bài viết này

Có thể bạn sẽ thích


Giỏ hàng