Cà phê góp phần không nhỏ trong tiến trình bành trướng của đế
chế Ottoman – một trong những nhà nước lớn nhất thế giới, kiểm
soát một vùng lãnh thổ rộng lớn từ Đông Nam châu Âu, tới phía
Tây Nam châu Á và Bắc Phi.
Sau khi người Ethiopia khám phá ra cà phê, thức uống này nhanh
chóng lan tỏa và phổ biến rộng rãi trong thế giới Hồi giáo tại Ba Tư,
Ai Cập, Ottoman và Bắc Phi, giúp thức uống này thành một hàng
hóa đem lại lợi nhuận kinh tế.
Năm 1536, Ottoman xâm chiếm và kiểm soát các đồn điền cà phê
tại Yemen. Ngay sau đó, thương mại cà phê góp phần đưa Đế chế
Ottoman phát triển cực thịnh trong thế kỷ 16. Cà phê là mặt hàng
có giá trị, được ưa chuộng nhất lúc bấy giờ. Không dừng lại ở sản
phẩm nội địa, người Ottoman đã xuất khẩu cà phê đến các quốc
gia Châu Âu.
Kinh doanh cà phê là
nguồn lợi chủ lực nên
người Ottoman canh
gác nghiêm ngặt tính
độc quyền việc gieo
trồng loại cây này.
Không hạt giống nào
được phép rời khỏi
đất nước, trừ khi
được nhúng vào nước
sôi hay rang chín để
không thể nảy mầm.
Thế kỷ 16 và 17 chứng kiến sự nở rộ của văn hóa cà phê Ottoman,
đây đồng thời là giai đoạn phát triển cực thịnh của đế chế Ottoman.
Đế chế rộng lớn này có ảnh hưởng trên toàn bộ khu vực châu Á
– Âu – Phi.
Thưởng thức cà phê ảnh hưởng sâu sắc đến phong tục tập quán
của người Ottoman. Cà phê trở thành phương tiện giao tiếp xã
hội. Cả nam giới và phụ nữ đều trò chuyện cùng nhau qua tách
cà phê. Quán cà phê là nơi mọi tầng lớp xã hội có thể gặp mặt trò
chuyện, giao thương. Khơi nguồn cảm hứng cho văn học, thơ ca,
hội họa, chính trị…
Trong đời sống gia đình, thức uống này là một phần vô cùng
quan trọng. Thậm chí, nếu người chồng không cung cấp đủ cà
phê thì người vợ có quyền ly hôn một cách hợp pháp.
Ngày nay, cà phê vẫn là một phần không thể tách rời của văn hoá
người Thổ Nhĩ Kỳ. Một số nghi lễ với cà phê vẫn còn phổ biến.